Bài viết “Những điều cơ bản về Phần mềm dịch thuật trước khi chuẩn bị lựa chọn và sử dụng” này sẽ giúp các biên dịch viên, công ty dịch thuật đang có kế hoạch chuẩn bị sử dụng phần mềm dịch thuật trong công việc dịch tài liệu có được cái nhìn đúng đắn nhất về phần mềm dịch thuật.
Trong quá trình tư vấn, đào tạo phần mềm dịch thuật cho các công ty, người dịch tự do, thì vẫn có không ít trường hợp nghĩ rằng phần mềm dịch thuật là phần mềm dịch tự động, tức là đưa tài liệu cần dịch vào phần mềm và lựa chọn ngôn ngữ cần dịch, và ngay lập tức phần mềm sẽ cho ra bản dịch. Nhiều trường hợp muốn tìm phần mềm dịch thuật với mong muốn phần mềm giúp tạo ra bản dịch thô sau đó người dùng sẽ chỉnh sửa lại (giống như hoạt động của máy dịch (Machine Translation)). Những trường hợp như vậy chưa hiểu rõ được công năng mà một phần mềm dịch thuật đem lại. Một số trường hợp nói tới phần mềm, một số trường hợp nghĩ ngay là tự động, chính vì vậy nói tới phần mềm dịch thuật tức là tự động dịch.
Với các bạn đang muốn tìm hiểu về phần mềm dịch thuật cụ thể như phần mềm Trados, Memoq, Wordfast…có thể sẽ gặp khó khăn, bởi chưa hiểu được rõ phần mềm dịch thuật là gì, công năng của nó như nào, nó giúp người dịch giải quyết các vấn đề gì trong quá trình dịch. Nên khi tìm hiểu sẽ không biết bắt đầu từ đâu.
Chính vì vậy trong bài viết này, Đặng Nam muốn chia sẻ những điều cơ bản về phần mềm dịch thuật cho các bạn chưa có cơ hội được tìm hiểu về phần mềm dịch thuật.
1. Phần mềm dịch thuật không phải là phần mềm dịch tự động?
Đầu tiên có thể khẳng định Phần mềm dịch thuật (hay còn gọi Computer-assisted translation, computer-aided translation hoặc CAT) không phải là phần mềm dịch thuật tự động, nó không phải giống như Google dịch mà chúng ta vẫn thường thấy. Khi sử dụng phần mềm dịch thuật, người dịch vẫn sẽ phải thao tác dịch từng câu, từng dòng trên phần mềm dịch thuật. Sự khác biệt lớn khi dịch trên phần mềm dịch thuật đó là:
- Hầu hết phần mềm dịch thuật đều có tính năng lưu trữ những nội dung đã được dịch trước đó trong bộ nhớ dịch (Translation Memory). Để khi dịch các tài liệu khác có dòng (segment) giống hoặc tương tự giống thì phần mềm dịch thuật sẽ gợi ý nội dung cần dịch là gì. Điều này giúp người dịch sẽ tiết kiệm thời gian khi dịch, bản dịch đảm bảo được sự đồng nhất. Một nhóm hay một công ty dịch, với tính năng bộ nhớ của phần mềm dịch thuật sẽ giúp chia sẻ được nội dung dịch cùng một lúc giữa nhiều người dịch khác nhau. Các bạn có thể tham khảo chi tiết ở các bài viết trước đó về bộ nhớ dịch Translation Memory mà Đặng Nam đã chia sẻ tại chuyên mục Translation Memory
- Cũng tương tự như bộ nhớ dịch, hầu hết phần mềm dịch thuật đều có tính năng gợi ý thuật ngữ. Khi dịch trên phần mềm dịch thuật, chúng ta sẽ xây dựng bộ thuật ngữ (Termbase) ứng với các ngôn ngữ mà chúng ta sẽ dịch. Khi dịch một tài liệu bất kỳ, với bộ thuật ngữ đã có, phần mềm sẽ gợi ý nghĩa cần dịch cho chúng ta các thuật ngữ có trong bản dịch đang dịch mà giống với thuật ngữ đã được lưu trữ trong bộ thuật ngữ. Vấn đề của chúng ta đơn giản chỉ là lựa chọn thuật ngữ cho bản dịch. Lợi ích mà bộ thuật ngữ (Termbase) đem lại cũng tương tự như với bộ nhớ dịch. Các bạn có thể tham khảo chi tiết ở các bài viết khác về thuật ngữ (Termbase) khác.
- Phần mềm dịch thuật sẽ giúp người dịch tự động format định dạng tài liệu cần dịch. Đây là một tính năng nhằm tiết kiệm thời gian rất lớn khi dịch trên phần mềm dịch thuật so với dịch thông thường. Người dịch sẽ không mất thời gian làm định dạng lại tài liệu như: Tag, in đậm, in nghiêng, viết hoa, cách dòng, cách đoạn, bảng biểu, hình ảnh, ký tự đặc biệt, mục lục tự động, mục lục hình ảnh,…. Và rất nhiều các vấn đề format khác. Tuy nhiên, với các file Scan hay hình ảnh chụp thì vấn đề này sẽ tùy thuộc vào từng file.
- Kiểm soát chất lượng bản dịch. Các phần mềm dịch thuật đều có chức năng kiểm soát chất lượng bản dịch (QA Check), giúp cho người dịch giảm bớt thời gian chỉnh sửa edit, cũng như chất lượng bản dịch được đảm bảo. Các bạn có thể tham khảo thêm về QA check trong dịch thuật tại chuyên mục QA check
Ngoài các tính năng cơ bản trên, các phần mềm dịch thuật sẽ trợ giúp người dịch, công ty dịch thuật rất nhiều các vấn đề khác. Tuy nhiên, ở bài viết này, Đặng Nam chỉ muốn chia sẻ các vấn đề cơ bản nhất để giúp người mới tìm hiểu về phần mềm dịch thuật nắm được các chức năng cơ bản và vận hành nó.
2. Lợi ích mà các phần mềm dịch thuật đem lại
Ở phần 1 trên, Đặng Nam đã giới thiệu các tính năng cơ bản của phầm mềm dịch thuật, đồng thời với đó là lợi ích mà phần mềm dịch thuật đem lại.
Để hiểu rõ chi tiết hơn về lợi ích mà phần mềm dịch thuật đem lại cho người dịch, công ty dịch thuật, các bạn có thể tìm hiểu tại bài viết “Hiểu thế nào về lợi ích phần mềm Trados”. Đây là một bài viết về lợi ích của phần mềm Trados đem lại, và các phần mềm dịch thuật khác cũng sẽ tương tự như phần mềm Trados.
3. Lựa chọn phần mềm dịch thuật
Trên thế giới hiện nay, có rất nhiều phần mềm dịch thuật khác nhau như: Phần mềm trados, phần mềm Memoq, phần mềm transit, Wordfast và các phần mềm khác. Vậy chúng ta sẽ lựa chọn phần mềm nào?
Lựa chọn phần mềm nào là tùy thuộc vào nhu cầu công việc của mỗi người, mỗi công ty khác nhau. Hoặc chúng ta có thể sử dụng nhiều phần mềm khác nhau trên máy tính, tùy theo công việc.
Tuy nhiên, Đặng Nam sẽ chia sẻ một vài kinh nghiệm về phần mềm để mọi người lựa chọn.
- Với người dịch là cá nhân, dịch tự do: Thường chúng ta sẽ làm cộng tác viên cho các công ty dịch thuật, vì vậy lựa chọn phần mềm là do yêu cầu của công ty mà chúng ta đang hợp tác. Ngoài ra, chúng ta cũng nên sử dụng một phần mềm chính tạo sự chủ động trong công việc của mình. Tại Việt Nam, hầu như các công ty dịch thuật sử dụng phần mềm trados là chính, vì vậy, chúng ta nên dùng phần mềm trados là phần mềm chính. Nó không chỉ giúp chúng ta sử dụng để hợp tác với các công ty dịch mà còn giúp chúng ta dịch các tài liệu từ các nguồn khác.
- Với tổ chức, công ty, đơn vị có liên quan tới dịch tài liệu, mà không phải là công ty dịch thuật thì chỉ nên lựa chọn một phần mềm dịch thuật để áp dụng. Các bạn có thể lựa chọn phần mềm Trados, Memoq… tuy nhiên Trados vẫn nên là lựa chọn ưu tiên số 1.
- Với công ty đang hoạt động trong lĩnh vực dịch thuật thì chúng ta phải sử dụng các phần mềm khác nhau cho các nhu cầu công việc khác nhau. Ví dụ khi hợp tác với các khách hàng có yêu cầu về phần mềm dịch thuật thì sẽ phải có kinh nghiệm dịch về phần mềm đó. Ngoài ra, các công việc chung, không yêu cầu phần mềm dịch thuật, thì chúng ta cũng nên lựa chọn một phần mềm là thế mạnh của công ty, cũng như để đồng bộ dữ liệu bộ nhớ, thuật ngữ. Theo kinh nghiệm của Đặng Nam vẫn là ưu tiên chọn phần mềm Trados.
Trên đây là những chia sẻ ngắn gọn của Đặng Nam về phần mềm dịch thuật, các bạn có những chia sẻ kinh nghiệm khác xin chia sẻ ở dưới bằng cách comment với mục đích giúp cộng đồng có những kiến thức sâu hơn về phần mềm dịch thuật.
Các bạn có thể tham gia các khóa đào tạo trực tiếp hoặc online về các phần mềm dịch thuật do Đặng Nam tổ chức để có thể khai thác tối đa các tính năng lợi ích phần mềm dịch thuật mang lại.
Đặng Nam
Mobile: 0987 634 454
Email: info@hoanggiatrang.com
Skype: hotrotrados